Silent treatment - Im lặng có chủ đích: Nên hay không?
- hotroyenspace
- 19 thg 3
- 5 phút đọc
"Cám ơn bài viết của em. Chị đã nhìn thấy hình ảnh của mình qua những hành động ở trên. Đây là cơ duyên để chị thay đổi, cải thiện bản thân qua bài viết này. Today is such a day, with this post! 💐💕"

Im lặng có chủ đích là cách đối xử lạnh lùng, im lặng như một cách trừng phạt cho người không làm vừa lòng mình.

Trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, anh - chị - em trong gia đình với nhau, cô dì chú bác - cháu chắt, vợ - chồng, bạn bè với nhau... điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Chẳng hạn như
Con cái làm điều gì không vừa ý cha mẹ, người lớn liền lạnh lùng đổi thái độ: Im lặng, hoặc nói năng cọc cạ, hoặc cô lập đứa con đó với những đứa con khác, hoặc cố tình so sánh, khen những đứa con khác trước mặt đứa con làm mình bất mãn.
Cháu chắt đi lễ, hội, tiệc không chào hỏi hay cư xử đủ tiêu chuẩn như mong đợi cô dì chú bác, người lớn liền: Tỏ thái độ chán nản, chả thèm nói, liếc háy nguýt, gầm gừ...
Bạn đời không đáp ứng được nhu cầu của mình: Chiến tranh lạnh, cô lập, bỏ mặc, không thèm đếm xỉa...
Vô vàn cách để xát muối và làm tổn thương người khác. Nhưng đôi khi, chính họ KHÔNG BIẾT là họ đang rất độc hại, bởi vì đó là mô thức giao tiếp duy nhất họ được học từ thuở ấu thơ trong chính gia đình mình mà!
Nhưng nếu lấy đó làm lý do, thì mãi mãi các thế hệ tiếp theo lại cha truyền con nối như vậy à?
Không! Không! Đó là lý do chúng ta cần làm việc với bản thân, quan sát chính mình, phản tư thường xuyên!
Trong khía cạnh giáo dục trẻ em
Ở Việt Nam, silent treatment thường được áp dụng như một biện pháp giáo dục truyền thống, đặc biệt trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, ông bà - cháu chắt. Hình thức này có thể xuất hiện trong các tình huống như
Khi trẻ phạm lỗi: Thay vì trao đổi, hướng dẫn, người lớn thường chọn cách im lặng để thể hiện sự không hài lòng, khiến trẻ cảm thấy bị xa lánh.
Khi trẻ cãi lời hoặc thể hiện sự phản kháng: Người lớn có thể dùng im lặng như một cách trừng phạt, mong đợi trẻ tự nhận ra lỗi lầm và xin lỗi.
Trong mâu thuẫn gia đình: Một số bậc cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác chọn cách ngừng giao tiếp với trẻ để tạo áp lực tâm lý, buộc trẻ phải "biết điều" và tuân theo ý muốn của họ.
Thế nhưng, cách đối xử này có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Cụ thể
Tác động tiêu cực đến lòng tự trọng: Trẻ có thể cảm thấy bị bỏ rơi, không được yêu thương hoặc giá trị của mình bị phủ nhận.
Trẻ có thể hình thành tư duy tiêu cực về bản thân, cảm thấy mình không đủ tốt hoặc đáng bị ghét bỏ.
Tạo cảm giác bất an và lo lắng, cảm giác bất lực khi có xung đột.
Hình thành kỹ năng giao tiếp không lành mạnh: Trẻ có thể học theo và đối xử với bạn bè, đồng nghiệp trong tương lai như một cách giải quyết xung đột tiêu cực.
Thay vì học cách giao tiếp cởi mở, trẻ có thể chọn cách trốn tránh, im lặng khi gặp vấn đề trong các mối quan hệ.
Trẻ có thể cảm thấy bị tách biệt, không dám bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc thật với người lớn.
Nếu bị silent treatment thường xuyên, trẻ có thể trở nên nhạy cảm quá mức hoặc phát triển xu hướng né tránh, thu mình lại trong các mối quan hệ sau này.
Những trẻ em bị đối xử như thế, lớn lên trở thành người lớn thế nào?
Không phải tất cả, nhưng chắc chắn, sẽ có phần lớn người lớn HỌC THEO cách đối xử đó, để đối xử với những mối quan hệ xung quanh mình (bạn đời, con cái, cháu, bạn bè...) vì đó là cách đối xử họ được dạy từ thời còn thơ ấu. Và họ đối xử với những người xung quanh mình theo đúng cơ chế đó!
Cũng không phải tất cả, nhưng chắc chắn, sẽ có phần lớn người lớn BỊ PHỤ THUỘC VÀ SỢ HÃI TRONG VÔ THỨC và chịu những sự lấn át, áp bức ranh giới trong mối quan hệ, nếu đối phương là người có cơ chế silent treatment. Dường như, nỗi sợ lúc bé cũng theo bản thân cho đến lớn. Dẫu giờ đây, cơ thể vật lý đã to lớn hơn trước, nhưng nỗi sợ vẫn còn đó y nguyên và tỷ lệ thuận với sự trưởng thành của mình chứ không hề nhỏ đi!

Vậy nên, việc reflection, phản tư xem cách hành xử của chính mình mỗi khi có điều bất ý trong mối quan hệ, mô thức (pattern), vòng lặp của mình là gì? Từ đó, cải thiện!
Hành xử với ranh giới lành mạnh khi là nạn nhân của Silent Treatment
Nếu chẳng may, bạn đang là nạn nhân của việc đối xử như thế này trong bất cứ mối quan hệ nào. Và may mắn, bạn đọc tới đây và nhận ra điều đó. Thì sau đây là một số gợi ý dành cho bạn trong tình huống như thế
Nhận diện cảm xúc của bản thân: Hãy tự hỏi cảm xúc của bạn khi bị đối xử im lặng. Ghi nhận sự tổn thương, tức giận hoặc bối rối mà bạn có thể cảm thấy.
Giao tiếp rõ ràng: Hãy tìm cách mở cuộc trò chuyện chân thành, cởi mở, tử tế với người thân đã đối xử với mình theo cách này. Sử dụng giao tiếp trắc ẩn để tránh rơi vào sự phán xét, chỉ trích, đổ lỗi.
Thiết lập ranh giới: Hãy khẳng định rằng bạn không chấp nhận việc bị đối xử im lặng như một hình thức giao tiếp. Bạn có quyền yêu cầu sự tôn trọng và giao tiếp trong mối quan hệ.
Thực hành tự chăm sóc bản thân và trắc ẩn với chính mình: Tránh rơi vào sự đồng phụ thuộc và chấp nhận việc bị đối xử độc hại tiếp tục.
Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nếu cần, hãy tìm người đáng tin cậy, chuyên gia để chia sẻ cảm xúc và nhận được sự hỗ trợ. Họ có thể cung cấp góc nhìn mới và giúp bạn vững vàng và thoát được sự độc hại.
Đánh giá mối quan hệ: Xem xét mối quan hệ này có còn lành mạnh hay không. Nếu hành vi tiếp tục diễn ra và không có thay đổi, bạn có thể cần suy nghĩ về cách thức tương tác trong mối quan hệ này.
Ranh giới lành mạnh hơn, sức khoẻ tinh thần tốt hơn và chất lượng cuộc sống cũng tuyệt vời hơn!
Lời mời

Khoá học Ranh giới lành mạnh K2, với theme “Làm mẹ an yên” sẽ khai giảng vào tháng 4/2025.
Thương mến,
Nguyễn Bảo Uyên
CoachVille Professional Certified CoachYên Coaching Space
Comments