"Làm sao để nghỉ ngơi khi không ai thay mình?"
- hotroyenspace
- 1 thg 4
- 3 phút đọc
Tự sự từ một người mẹ kiệt sức, và hành trình học lại cách chăm sóc chính mình
Chuyện của một người mẹ (và cũng là tôi)
Tôi còn nhớ rất rõ một buổi sáng nọ khi con còn nhỏ. Tôi dậy lúc 4 giờ vì con khóc. Lúc đó tôi đã thức gần như trắng đêm cứ 2 giờ/lần. Sau khi dỗ con ngủ lại, tôi tranh thủ làm việc, chuẩn bị đồ đạc sẵn để đi làm khi trời sáng, giặt đồ, sắp xếp mớ đồ đang nằm hỗn độn trong nhà, và cố làm sao để “trông có vẻ ổn”.
Khoảng thời gian đó, tôi thậm chí không thể tự đi xe đến công sở vì tôi đã kiệt sức hoàn toàn, chỉ có thể cố gắng dùng chút sinh lực còn lại ngồi sau bác tài xế Grab để đến công sở và tiếp tục 8 tiếng làm việc như thường lệ.
Cả ngày còn dài, và tôi không thấy có chỗ nào để dừng lại. Tôi cảm thấy dường như không ai thay tôi cả.
Tôi thấy tủi thân. Rồi tự trách. Rồi im lặng. Rồi tiếp tục gồng.
Nếu bạn cũng từng thấy mình trong vòng lặp ấy - tôi viết bài viết này cho bạn. Không phải để đưa ra giải pháp hoàn hảo, mà để bạn biết rằng bạn không đơn độc. Và vẫn có những cách nghỉ ngơi lành mạnh hơn từ bên trong, dù không ai có thể “thay ca” cho bạn.

Nghỉ ngơi không đòi hỏi điều kiện hoàn hảo
Chúng ta thường nghĩ nghỉ ngơi phải là… nằm dài trên giường khách sạn, một chuyến du lịch solo, hay ít nhất là một ngày không ai gọi tên mình. Nhưng với người mẹ, đó là điều xa xỉ.
Nghỉ ngơi thực sự là cảm giác “mình không phải chịu trách nhiệm cho ai” trong khoảnh khắc đó. Mà điều đó - nghe thì tưởng khó - thực ra có thể tạo ra từng chút một, mỗi ngày. Chỉ 5 phút thôi cũng được rồi.
Dưới đây là 5 kiểu nghỉ ngơi dành cho những người mẹ không có thời gian nghỉ:
1. Nghỉ ngơi về mặt tâm trí (Mental rest):Dành 5 phút mỗi sáng để viết ra những điều bạn không cần làm hôm nay. Thay vì liệt kê “to-do list”, hãy viết “let-go list”.
2. Nghỉ ngơi về mặt cảm xúc (Emotional rest):Cho phép mình khóc. Hoặc gửi một voice message cho một người bạn đáng tin cậy, chỉ để nói “Hôm nay mình thấy quá sức.” Không cần giải pháp, chỉ cần được lắng nghe.
3. Nghỉ ngơi về mặt giác quan (Sensory rest):Tắt tất cả âm thanh, ánh sáng, điện thoại, TV trong 3 phút. Ngồi yên trong yên lặng. Ngắn thôi cũng đủ reset não bộ.
4. Nghỉ ngơi về mặt xã hội (Social rest):Tạm tránh xa những người khiến bạn phải “giả vờ ổn”. Chọn ở gần những người bạn có thể thật thà nói “Mình không ổn, nhưng không sao.”
5. Nghỉ về mặt thể chất vi mô (Micro-rests):Chống tay vào bàn, gập người về trước, hít sâu 3 lần. Một cử động đơn giản, nhưng lại giúp cơ thể “tạm ngừng chiến đấu”.
Hãy đặt “nghỉ ngơi” như một cam kết – không phải phần thưởng
Đừng chờ đến khi bạn gục ngã rồi mới nghỉ ngơi. Hãy coi việc nghỉ ngơi là một phần không thể thiếu của lịch trình, như đánh răng hay ăn cơm.

Bạn có thể viết ra một “hợp đồng tự chăm sóc bản thân” như sau:
“Tôi cam kết sẽ cho bản thân 10 phút mỗi ngày để thở, ngồi yên, không làm gì cả. Không vì tôi lười, mà vì tôi xứng đáng.”
Lời kết gửi mẹ
Bạn được phép nghỉ ngơi. Bạn được phép chậm lại. Bạn được phép không phải gồng cả thế giới lên vai.
Mỗi khi bạn tự hỏi: “Làm sao để nghỉ ngơi khi không ai thay mình?” – hãy nhớ, người duy nhất có thể cho phép bạn nghỉ, chính là bạn.
🫶 Món quà tặng mẹ: 30 câu nói tự trắc ẩn với chính mình dành cho mẹ trong những ngày mệt nhoài
Với tình yêu và sự thấu cảm,
Nguyễn Bảo Uyên
Mom Wellbeing Coach
Cám ơn bạn đã theo dõi blog của Yên Coaching Space.
Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi
các kênh khác của Yên Space tại:
Facebook | Youtube | Email | Đồng hành 1:1
Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới
nhiều người hơn nữa nhé!
Comments