"Ranh giới lành mạnh không phải là điểm kết thúc mà là một cánh cửa mở ra hành trình khám phá bản thân. Và hành trình này kéo dài hay dừng lại ở đâu, tuỳ thuộc vào lựa chọn của chính bạn!"

Câu hỏi đầu tiên này được đặt ra trong form đăng ký chương trình webinar “Ranh giới lành mạnh” mình tổ chức hồi 8/2023. Nhân dịp sắp tới, mình tổ chức khoá học K2 về ranh giới lành mạnh, mình sẽ viết loạt bài về ranh giới lành mạnh, bao gồm chuyên mục hỏi đáp về ranh giới dành cho các bạn quan tâm đến chủ đề này nha.
(Nếu bạn có câu hỏi, bạn cũng có thể đặt TẠI ĐÂY nha!)
Sau khi thiết lập ranh giới, hành trình của bạn sẽ tiếp tục mở ra theo hai chiều chính:
👉 Chiều sâu cá nhân - làm việc với bản thân và tiến hoá nội tâm
👉 Chiều rộng ảnh hưởng - lan toả những thay đổi tích cực đến gia đình, cộng đồng và các thế hệ sau
1. Theo chiều sâu cá nhân:
Ranh giới không chỉ là để bảo vệ mình khỏi những tổn thương bên ngoài mà còn là cách bạn bắt đầu làm việc với nội tâm (inner work).
Tùy vào trải nghiệm, background, bài học cá nhân, hành trình inner work sau ranh giới có thể sẽ đi theo nhiều hướng khác nhau. Dưới đây là ba hướng phát triển phổ biến (nhưng không phải tất cả) và ví dụ thực tế cho từng hướng:
1.1. Lòng tự trắc ẩn và trắc ẩn với người khác (Self-Compassion & Compassion)
Ví dụ: Một người mẹ thường xuyên cảm thấy tội lỗi khi đặt ranh giới với con cái/ Người vợ cảm thấy không đủ tốt khi nói "Không" với chồng/... Sau khi học cách đặt ranh giới một cách lành mạnh, cô ấy nhận ra rằng cảm giác tội lỗi này bắt nguồn từ sự khắc nghiệt mà cô áp đặt lên chính mình. Khi cô ấy bắt đầu thực hành lòng tự trắc ẩn, cô nhận ra rằng mình cũng cần tha thứ và yêu thương chính bản thân như cách cô yêu thương chồng con mình.
Mặt khác, trắc ẩn với người khác, Khi bạn đã thiết lập ranh giới và vượt qua những thách thức cá nhân, bạn sẽ bắt đầu mở rộng nhận thức về vai trò của mình trong thế giới lớn hơn.
Ví dụ: Một người đã học cách đặt ranh giới với gia đình độc hại và tìm lại sự bình yên cho mình. Sau đó, cô ấy bắt đầu nhận ra rằng mối quan hệ lành mạnh không chỉ đến từ việc đặt ranh giới, mà còn đến từ việc hiểu rõ những động cơ sâu xa của người khác và thấu hiểu, bao dung hỗ trợ họ phát triển.
1.2. Shadow Work – Làm việc với “phần tối” của bản thân
Hành trình xây dựng ranh giới lành mạnh cũng giúp bạn đối diện với những phần tối mà trước đây bạn tránh né — những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi, xấu hổ hoặc nhu cầu kiểm soát người khác, thói sợ trách nhiệm, sự kháng cự chống đối với quyền lực...
Ví dụ: Một người phụ nữ nhận ra rằng cô ấy thường xuyên căng thẳng đến kiệt sức khi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không xuể việc nhà, nhưng không dám nhờ sự giúp đỡ từ người thân. Sau khi đặt ranh giới, cô phát hiện ra cơn giận của mình bắt nguồn từ nỗi sợ bị bỏ rơi và cảm giác rằng cô không đủ giá trị nếu không gồng gánh mọi việc.
Lúc này, sẽ là về việc học cách chấp nhận toàn bộ con người mình — cả ánh sáng lẫn bóng tối.
1.3. Phát triển tâm thức, tâm linh
Ở mức độ này, bạn sẽ chiêm nghiệm lại những thách thức mình gặp từ trước đến nay, tìm ra mô thức chug và bài học cần học của bạn. Chẳng hạn, bạn luôn gặp khó khăn về ranh giới, vì bài học chính của bạn là học cách bảo vệ bản thân và cân bằng giữa việc thương người với thương mình. Hay nếu bạn thường gặp khó khăn về cảm giác tội lỗi, bài học bạn cần học chính là trắc ẩn với chính mình, v.v...
2. Theo chiều rộng ảnh hưởng
Khi bạn làm việc với ranh giới và bản thân mình, sự thay đổi này sẽ tự nhiên lan tỏa đến những người xung quanh bạn. Ranh giới lành mạnh không chỉ tạo ra sự bình an cho cá nhân, mà còn giúp cải thiện chất lượng của các mối quan hệ và xã hội.
2.1. Ảnh hưởng đến gia đình và con cái
Khi bạn đặt ranh giới, bạn đang dạy cho con mình bài học về giá trị bản thân và sự tôn trọng. Con bạn sẽ học cách nói "không" với những điều không phù hợp và giữ vững lòng tự tôn trong các mối quan hệ của chúng.
Ví dụ: Một người mẹ từng chịu đựng áp lực từ gia đình và xã hội để trở thành “người mẹ hoàn hảo.” Sau khi học cách đặt ranh giới, cô ấy nhận ra rằng một người mẹ hạnh phúc và an yên sẽ tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh và tự tin hơn.
2.2. Ảnh hưởng đến mối quan hệ xung quanh
Ranh giới lành mạnh giúp bạn xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau, thay vì dựa trên sự hy sinh hoặc kiểm soát.
Ví dụ: Một người phụ nữ từng cảm thấy mình phải chiều lòng tất cả mọi người để giữ hòa khí. Sau khi đặt ranh giới, cô nhận ra rằng mối quan hệ thực sự chỉ tồn tại khi cả hai bên đều được tôn trọng.
2.3. Ảnh hưởng đến xã hội và thế hệ sau
Hành trình thiết lập ranh giới không chỉ dừng lại ở việc thay đổi bản thân và gia đình, mà còn có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội, phụng sự cộng đồng.
Khi nhiều người bắt đầu học cách đặt ranh giới, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội công bằng, tôn trọng lẫn nhau và biết yêu thương bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc truyền thừa những giá trị lành mạnh cho thế hệ sau.
Ví dụ: Một người mẹ học cách đặt ranh giới và truyền dạy cho con mình cách tôn trọng bản thân và người khác. Khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ mang những giá trị này vào các mối quan hệ, công việc và cuộc sống của mình. Thậm chí, có thể lan toả, đào tạo, chia sẻ...về ranh giới lành mạnh nhiều hơn nữa!
💚 Ranh giới lành mạnh không phải là điểm kết thúc mà là một cánh cửa mở ra hành trình khám phá bản thân. Và hành trình này kéo dài hay dừng lại ở đâu, tuỳ thuộc vào lựa chọn của chính bạn!

Thương mến,
Nguyễn Bảo Uyên
CoachVille Profession Certified Coach
Nếu muốn kết nối nhiều hơn với mình, bạn có thể theo dõi mình tại
Website | Facebook | Khoá học | Đồng hành 1:1
Cảm ơn bạn vì đã luôn bên cạnh, đón đọc và ủng hộ bản tin. Yên Coaching Space luôn mong nhận được các chia sẻ, góp ý từ bạn giúp bản tin hữu ích và thiết thực hơn.
Nếu bạn yêu thích bản tin và thấy nội dung hữu ích. Hãy chia sẻ tới nhiều người hơn nữa nhé!
Dành riêng cho những người mẹ, Yên Coaching Space phát triển bản tin dành riêng cho mẹ là “Mẹ An Con Khoẻ”, mời bạn cùng theo dõi để nhận nhiều điều bổ ích nha!
Comments